Ngày 27/4/2021, tại Vân Đồn – Quảng Ninh, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam và Ủy ban nhân dân huyện Vân Đồn đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Ứng dụng công nghệ tiên tiến phát triển bền vững chuỗi giá trị hàu Vân Đồn”.
Ứng dụng công nghệ tiên tiến phát triển bền vững chuỗi giá trị hàu Vân Đồn
Ngành Thủy sản huyện Vân Đồn trong những năm qua đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần xây dựng, thay đổi diện mạo huyện. Tuy nhiên, Vân Đồn đã không tự mãn, chủ quan; Công cuộc đổi mới với những khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự quyết tâm, quyết liệt hơn nữa, tiếp tục nâng cao tầm trí tuệ, sáng tạo để vượt qua mọi khó khăn, thách thức; Góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội, đưa huyện Vân Đồn phát triển xứng tầm với quy hoạch, định hướng Khu kinh tế. Hội thảo “Ứng dụng công nghệ tiên tiến phát triển bền vững chuỗi giá trị hàu Vân Đồn” trở thành hoạt động thiết thực, là một trong những hoạt động để thực hiện “Kế hoạch Phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm hàu Vân Đồn năm 2021” theo “Thỏa thuận Hợp tác về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường biển” (được ký kết trước đó giữa Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh). Bên cạnh đó, Hội thảo cũng đã giới thiệu các công nghệ và sản phẩm, thiết bị tiên tiến phục vụ nghề hàu bền vững tại huyện Vân Đồn – Thủ phủ Hàu của Việt Nam.
Tại hội thảo, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ (Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh) đã trình bày chi tiết những kết quả đã đạt được trong công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong nuôi, chế biến hàu tại Quảng Ninh, bao gồm các nội dung chủ yếu sau: Giá trị dinh dưỡng của hàu; Diện tích và sản lượng nuôi (hàu Thái Bình Dương, hàu Cửa sông); Những kết quả đã đạt được trong các lĩnh vực Sản xuất giống và nuôi thương phẩm/ Bảo quản sau thu hoạch và chế biến sản phẩm/ Công tác quản lý nhà nước; Đồng thời, nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất một số sản phẩm giá trị gia tăng từ hàu (hạt nêm hàu, tinh dầu hàu, nước uống đóng chai); Xử lý hàu sau thu hoạch phục vụ sản xuất sản phẩm Shassimi. Phương hướng trong thời gian tới: Nâng cao chất lượng giống hàu; Quản lý chặt chẽ quy hoạch vùng nuôi; Đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ; Đặc biệt là chú trọng công tác bảo vệ môi trường.
Ngày 31/8/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt Quyết định số 31/2020/QĐ-UBND ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản lợ, mặn tại Quảng Ninh”. Vì vậy, cũng tại hội thảo lần này, Công ty Nhựa Super Trường Phát đã giới thiệu với toàn thể đại biểu các mô hình sử dụng vật liệu HDPE đạt chuẩn, thay thế cho vật liệu xốp, bè tre và thùng phuy (nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định 31 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản lợ, mặn trên địa bàn tỉnh). Theo đó, các sản phẩm như phao nổi HDPE/ giàn nổi HDPE đều có thể dùng để nuôi nhuyễn thể như hàu. Sản phẩm có độ bền tối đa 50 năm. Điểm đặc biệt là, các sản phẩm này không gây ô nhiễm nguồn nước; có kích thước linh hoạt theo yêu cầu và sẽ được Super Trường Phát thu mua lại sau 10 năm (nếu không dùng nữa), bảo hành 10 năm, bảo trì vĩnh viễn. Mặt khác, các sản phẩm nổi này còn có thể sử dụng làm cầu, thuyền, phao…
Tham gia trưng bày và giới thiệu sản phẩm, Công ty BAVABI nhờ áp dụng công nghệ mới nên đã nâng cao giá trị các sản phẩm chế biến và tách chiết từ hàu Vân Đồn. BAVABI cho biết thực trạng của nghề nuôi hàu tại Vân Đồn và các vùng lân cận, có nhiều lợi thế về diện tích thả nuôi, sản lượng được đánh giá là vùng nuôi hàu lớn nhất cả nước, đáp ứng nguyên liệu hàu thương phẩm cho ngành chế biến hàu quy mô công nghiệp. Đặc biệt, vùng nước ở đây có độ mặn và độ pH rất thích hợp cho hàu sữa phát triển tự nhiên; không chịu ảnh hưởng của bão, phù hợp cho nuôi lồng/bè quy mô lớn. Nước biển sạch, không bị ô nhiễm bởi đô thị và công nghiệp, dòng hải lưu êm, dồi dào sinh vật phù du, tảo biển là nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào cho nhuyễn thể như hàu. Cũng theo BAVABI, diện tích vùng nuôi tại khu vực phía Đông tỉnh Quảng Ninh có tiềm năng tương đương các vùng nuôi hàu quy mô hàng đầu thế giới như Hiroshima – Nhật Bản, Tongyeong – Hàn Quốc, Qingdao – Trung Quốc… Huyện Vân Đồn nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung đã hội tụ đủ điều kiện để tổ chức Festival Quốc tế về Hàu, các tour du lịch trải nghiệm nuôi biển, kết nối du lịch với di sản kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long để phát triển kinh tế biển.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi để phát triển chuỗi giá trị hàu thì huyện Vân Đồn cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền và sự tham gia nhiệt tình của các đơn vị tổ chức, cá nhân. Thực tế là, giá và sản lượng tiêu thụ bấp bênh; Thiếu những sản phẩm chế biến giá trị gia tăng, chủ yếu là hàu nguyên liệu (hàu nguyên con, hàu ruột); Giá bị phụ thuộc vào thị trường tiểu ngạch (Trung Quốc, Đài Loan); Sản phẩm sơ chế chưa đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; Nguồn giống chất lượng thấp, chưa được kiểm soát; Quy trình nuôi và thu hoạch chủ yếu tự phát, thực hiện thủ công, năng suất chưa cao; Thiếu nguồn lực đầu tư để nuôi quy mô lớn và công suất cao hơn. Đặc biệt, thiếu sự gắn kết giữa Đầu vào (giống, hạ tầng, vốn) – Người nuôi (công nghệ nuôi, quy trình giám sát quá trình nuôi, công nghệ thu hoạch và bảo quản) – Đầu ra (chế biến, xử lý môi trường, tiêu thụ sản phẩm). Chính vì vậy, tỉnh Quảng Ninh đang đặt kỳ vọng lớn nhất về sự liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà: Nhà nước, Nhà nông, Nhà khoa học, Nhà doanh nghiệp. Ủy ban nhân dân huyện Vân Đồn sẽ đóng vai trò kết nối.
Xây dựng mô hình liên kết chuỗi giá trị hàu Vân Đồn
Đối với mô hình chuỗi giá trị hàu (mô hình liên kết sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm) được xác định là mô hình liên kết sản xuất từ đơn vị cung cấp hạ tầng nuôi biển, cung cấp giống, các hộ nuôi hàu, thu mua, chế biến và xử lý môi trường đến các đơn vị tiêu thụ sản phẩm từ hàu. Trong đó, hạ tầng nuôi là yếu tố quan trọng, đảm bảo phát triển bền vững ngành nuôi hàu, bảo vệ môi trường nuôi biển, đảm bảo mỹ quan phát triển du lịch. Hạ tầng nuôi phụ thuộc vào sự lựa chọn công nghệ nuôi phù hợp, cần có sự kết hợp giữa Nhà khoa học – Hộ nuôi – Doanh nghiệp cung cấp hạ tầng – Ngân hàng (hoặc các tổ chức tín dụng). Từ đó, đưa ra giải pháp phát triển bền vững, ổn định lâu dài cho chuỗi giá trị hàu.
Tại vùng nuôi Vân Đồn, giống là yếu tố rất cấp bách. Mặc dù là vùng nuôi quy mô lớn nhưng tại huyện Vân Đồn và toàn tỉnh Quảng Ninh chưa có trại giống đáp ứng nhu cầu của vùng nuôi. Giống hiện nay chủ yếu được cung cấp từ Ninh Bình, Nam Định, Nha Trang, Trung Quốc… chưa được kiểm soát vấn đề cận huyết, dẫn đến năng suất nuôi ngày càng giảm. Trong thời gian tới, Quảng Ninh cần đầu tư xây dựng trại giống đạt tiêu chuẩn, đủ công suất cung cấp cho vùng nuôi. Về quy trình nuôi, cũng còn nhiều bất cập, hiện hàu được nuôi chủ yếu theo phương pháp treo dây, treo võng. Phương pháp này đơn giản nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro mất trắng. Cần có sự vào cuộc của các nhà khoa học, quan trắc, đánh giá môi trường nuôi một cách khoa học để đề xuất phương pháp nuôi và hạ tầng nuôi hiệu quả, bền vững. Đăng ký và triển khai cấp chứng nhận vùng nuôi an toàn Global GAP, ASC.
Trong hoạt động thu mua/sơ chế: Sẽ chỉ thu mua các sản phẩm đạt tỷ lệ thu hồi cao khi sơ chế/ chế biến. Xây dựng quy trình sơ chế đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Giám sát và cấp phép cho các đơn vị sơ chế đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Minh bạch thị trường thu mua để tránh bị ép giá gây thiệt hại cho các hộ nuôi. Khuyến khích các hộ nuôi tham gia “ổn định giá” với các doanh nghiệp uy tín thông qua mô hình chuỗi giá trị hàu. Bên cạnh đó, khuyến khích các đơn vị chế biến sâu để tạo thêm nhiều thương hiệu sản phẩm có giá trị từ hàu; Khuyến khích các đơn vị chế biến sâu ký kết “ổn định giá” cùng các hộ nuôi hàu để ổn định thị trường giá; Có doanh nghiệp xử lý rác thải, nước thải từ chế biến hàu, đảm bảo vệ sinh môi trường và mỹ quan khu vực biển nhằm phát triển Khu kinh tế Vân Đồn trong tương lai.
Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, cần có sự hỗ trợ tích cực trong việc xây dựng và phát triển mô hình chuỗi giá trị hàu Vân Đồn; Xúc tiến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm từ hàu; Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ tín dụng để phát triển vùng nuôi hàu Vân Đồn; Đẩy mạnh chuỗi tiêu thụ sản phẩm thông qua các hệ thống siêu thị, nhà hàng, các sàn giao dịch thương mại điện tử… Mục tiêu hướng đến của huyện Vân Đồn là: Xây dựng vùng nuôi hàu Vân Đồn trở thành một trong những vùng nuôi hàu có giá trị trên bản đồ thế giới. Để đạt được mục tiêu này thì rất cần sự liên kết và hỗ trợ từ các Nhà khoa học – Nhà cung cấp giải pháp – Nhà nông (các hộ nuôi) – Nhà máy chế biến – Mạng lưới tiêu thụ sản phẩm để tạo thị trường phát triển và ổn định, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
Kết thúc hội thảo, các bên tham gia chuỗi liên kết đã cùng nhau ký xác nhận đăng ký tham gia “Chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm hải sản nuôi, thúc đẩy bảo vệ môi trường và xây dựng các công trình hạ tầng nổi trên biển tại Quảng Ninh”. Theo đó, Bên cung cấp hạ tầng nuôi biển là Công ty Cổ Phần Tập Đoàn Nhựa Super Trường Phát (STP); Đơn vị thu mua, chế biến sản phẩm nuôi biển là Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh (BAVABI); Đơn vị sử dụng hạ tầng để nuôi hải sản là Hộ nuôi trồng thủy sản/ doanh nghiệp/ hợp tác xã. Các nội dung mà 03 bên cùng nhau đăng ký, gồm: Diện tích nuôi trồng; Địa điểm nuôi; Đối tượng nuôi; Số lượng các phao, lồng, bè HDPE cần dùng; Sản lượng thu hoạch trung bình mỗi vụ; Yêu cầu hỗ trợ từ các bên trong Chuỗi liên kết; Đề nghị đối với đơn vị bảo trợ (Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, UBND huyện Vân Đồn).
Hội thảo đã đem lại ý nghĩa hết sức thiết thực trong việc thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 06/5/2014 của Tỉnh ủy về Phát triển kinh tế thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, cũng như Nghị quyết số 03-NQ/HU ngày 09/4/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ Huyện về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc chuyển đổi sử dụng vật liệu nổi trong hoạt động nuôi trồng thủy sản theo Quy chuẩn địa phương (QCĐP 08:2020) trên địa bàn huyện Vân Đồn năm 2021. Các ý kiến phát biểu là những kinh nghiệm hết sức quý báu, tâm huyết, đã động viên huyện Vân Đồn ngày càng vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ được giao.
Trong thời gian tới, Vân Đồn sẽ tiếp tục chuyển đổi vật liệu nuôi trồng thủy sản bằng phao xốp sang vật liệu nổi đảm bảo theo quy chuẩn. Căn cứ vào quy hoạch đã được phê duyệt, sắp xếp, bố trí lại hệ thống nuôi trồng thủy sản, đảm bảo không gian biển cho các loài thủy sản ngoài tự nhiên phát triển hài hòa, bền vững. Bên cạnh đó, sớm hoàn thiện Khu tiểu thủ công nghiệp với diện tích trên 58ha trên địa bàn; Phối hợp với các ban ngành liên quan, sớm đưa Trung tâm Giống nhuyễn thể vào hoạt động; Triển khai Đề án xử lý vỏ hàu thành sản phẩm phục vụ trong nông nghiệp, xây dựng. Đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư. Ưu tiên các dự án liên kết chuỗi bền vững. Thực hiện số hóa mặt nước nuôi trồng thủy sản, tạo tiền đề cho việc Ứng dụng công nghệ tiên tiến phát triển bền vững chuỗi giá trị hàu Vân Đồn.
Trích nguồn Báo Tổng cục thủy sản: https://tongcucthuysan.gov.vn/vi-vn/tin-t%E1%BB%A9c/-tin-v%E1%BA%AFn/doc-tin/015790/2021-04-29/ung-dung-cong-nghe-tien-tien-phat-trien-ben-vung-chuoi-gia-tri-hau-van-don?fbclid=IwAR0Yxts97dnpcqmfSkWNx0E7baBj0q614vDhkZUfEYHYh-gJlJq9q-Xd26Q