Hướng dẫn thử nghiệm nuôi trồng rong sụn trên biển

Rong sụn (Kappaphycus alvarezii (Doty) Doty ex P.C.Silva, 1996), là loài rong biển có giá trị kinh tế cao, là nguyên liệu chủ yếu để chế biến carrageenan, chế phẩm được sử dụng rộng rãi trong chế biến thực phẩm, y dược, mỹ phẩm… Kết quả xây dựng mô hình nuôi trồng Rong sụn trong ô lồng lưới được thử nghiệm trong hai năm 2018 – 2019 cho thấy, với khối lượng nuôi trồng ban đầu khoảng 77 ± 4 g/bụi, sau 60 ngày nuôi trồng, rong phát triển tốt, có màu nâu vàng; đường kính thân trung bình từ 6 – 7 mm, chiều dài tản dao động từ 40 – 50 cm; năng suất trung bình đạt 700 ± 68 g rong tươi/bụi; tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 3,74 ± 0,19 %/ngày; trong đó từ ngày nuôi thứ 31 đến 45, rong có tốc độ tăng trưởng tốt nhất, trung bình đạt 4,88 ± 0,21 %/ngày. Kết quả nghiên cứu đã mở ra triển vọng phát triển nuôi trồng Rong sụn tại các đảo xa bờ, góp phần phát triển kinh tế biển Việt Nam.

1. MỞ ĐẦU

Rong sụn (Kappaphycus alvarezii (Doty) Doty ex P.C.Silva, 1996) là một loài rong biển nhiệt đới, có nguồn gốc tự nhiên ở vùng biển châu Á, Thái Bình Dương, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Đây là loài rong biển có giá trị kinh tế cao, có thể chế biến thành các dạng thực phẩm sử dụng trực tiếp từ rong tươi hay rong khô, nhưng giá trị quan trọng nhất của chúng là làm nguyên liệu chiết xuất keo carrageenan. Đây là một loại polysaccharide có tính tạo đông, kết dính và được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực kinh tế như chế biến thực phẩm, y dược, mỹ phẩm, dược phẩm, dệt, giấy, sơn, công nghệ sinh học… (Huỳnh Quang Năng, 2005).

Rong sụn được nuôi trồng thử nghiệm với ống HDPE của Super Trường Phát

Rong sụn được nuôi trồng thử nghiệm với ống HDPE của Super Trường Phát.

Trước đây, nguồn nguyên liệu để chiết xuất ra carrageenan chủ yếu lấy từ nguồn rong biển tự nhiên nhưng hiện nay nguồn rong biển này đang cạn kiệt do khai thác quá mức. Vì vậy, nhu cầu nuôi trồng những loài rong biển phục vụ cho chiết xuất carrageenan ngày càng trở lên cấp thiết. Rong sụn Kappaphycus alvarezii là một trong những loài rong biển đó, do là loài sinh sản dinh dưỡng nên khả năng nuôi trồng dễ thực hiện và ít tốn kém hơn so với những loài rong biển khác. Do đó, Rong sụn bắt đầu được nuôi trồng tại Philippines, sau đó được phát triển tại nhiều nước ở Đông Nam Á và các nước khác như Ấn Độ, Trung Quốc (đảo Hải Nam), Châu Phi (Trono & Fortes, 1988; Shokita et al., 1991).

Hiện nay, nghề nuôi trồng Rong sụn ở nước ta đang phát triển do nhu cầu sử dụng carrageenan ngày càng cao, đã đem lại sinh kế bền vững cho người dân ven biển cũng như nguồn giá trị xuất khẩu lớn. Có 3 mô hình nuôi trồng Rong sụn khá phổ biến là trồng căng dây trong ô lồng lưới, trồng ở đầm phá nông, vịnh bán hở và trồng trong ao. Mô hình trồng Rong sụn căng dây trong ô lồng lưới có chi phí đầu tư vừa phải, lại khá linh hoạt, hạn chế được cá ăn rong và bị gãy do sóng gió, phù hợp với việc trồng ở các vùng biển ven các đảo xa bờ.

Tại một số đảo xa bờ ở biển Việt Nam như Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo, có điều kiện về môi trường tương đối phù hợp với sinh trưởng và phát triển của Rong sụn, tuy nhiên việc trồng Rong sụn tại các đảo này chưa phát triển được do chưa có các nghiên cứu để di trồng cũng như thử nghiệm trồng loài rong biển này tại đây. Do đó việc tiến hành thử nghiệm trồng và phát triển nhân rộng mô hình trồng Rong sụn tại các đảo xa bờ này cần được thực hiện.

2. HƯỚNG DẪN PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU NUÔI TRỒNG RONG SỤN

2.1. Thời gian, địa điểm, đối tượng nghiên cứu

  • Thời gian nghiên cứu: Từ tháng 7/2018.
  • 12/2018 và từ tháng 3/2019 – 9/2019.
  • Địa điểm nghiên cứu: Lựa chọn địa điểm nghiên cứu việc nuôi trồng.
  • Đối tượng nghiên cứu: Loài Rong sụn Kappaphycus alvarezii.

2.2. Quy mô, mật độ nuôi trồng

  • Quy mô nuôi trồng: 250 m2 bè nuôi (10 ô lồng  25 m2/ô lồng). Thể tích 1 ô lồng: dài x rộng x cao = 5 x 5 x 1 (m). Xung quanh ô lồng bao lưới, đường kính 2a = 1,5 – 2 (cm).
  • Phương pháp trồng: Trồng với lồng lưới, thử nghiệm lồng HDPE.
  • Mật độ trồng: 70 – 100 g/bụi. Số lượng trồng: 20 – 25 bụi/dây. Mật độ trồng: 18 – 20 dây/ô lồng.

Rong sụn được nuôi thử nghiệm với phương pháp lưới lồng.

Rong sụn được nuôi thử nghiệm với phương pháp lưới lồng.

  • Thời gian thu hoạch: sau 60 – 75 ngày nuôi trồng. Phương pháp thu hoạch: thu toàn bộ. Sau khi thu hoạch, tiếp tục ra giống nuôi tiếp.
  • Song song với quá trình trồng rong thương phẩm, tiến hành bố trí thí nghiệm để đánh giá tốc độ tăng trưởng của Rong sụn nuôi trồng.
  • Quy mô thí nghiệm: 03 đợt, mỗi đợt đánh giá 300 bụi rong triển khai trên cả 10 ô lồng nuôi (30 bụi/ô lồng  10 ô lồng). Khối lượng rong giống trồng ban đầu trung bình 77 ± 4 g/bụi.
  • Thời gian thí nghiệm là 60 ngày nuôi. Đợt 1 thí nghiệm trong thời gian từ tháng 8 – 10/2018; đợt 2 từ tháng 3 – 5/2019; đợt 3 từ tháng 5 – 7/2019.
  • Chỉ tiêu đánh giá: Tốc độ tăng trưởng về khối lượng toàn bụi rong.

2.3. Chăm sóc, quản lý

  • Định kỳ quan trắc các thông số môi trường như nhiệt độ nước, độ mặn, độ pH, cường độ ánh sáng… Hạ dây rong xuống khi độ mặn giảm đột ngột do mưa lớn hoặc nhiệt độ tầng mặt tăng cao vào mùa nóng.
  • Thay thế neo bị mất, sửa chữa hệ thống giàn bè khi bị hư.
  • Loại bỏ những cây rong bị bệnh trắng lủn thân (còn gọi bệnh kem hay Ice-ice) hoặc bị rong nhiều ống ký sinh trên thân rong (rong bị Lông chó hay Sớn lông).
  • Loại bỏ các loài rong xanh bám, động vật có vỏ (hàu, ốc), bọt biển trên đường dây treo rong, lồng lưới và Rong sụn. Thường xuyên giũ sạch trầm tích bám vào rong và lồng lưới.
  • Gia cố lưới để không bị chìm quá sâu khi rong sinh trưởng làm tăng khối lượng sau một thời gian nuôi.

2.4. Phương pháp xử lý số liệu

  • Các thông số môi trường nền: Nhiệt độ (toC), độ muối (S‰), hàm lượng oxy hoà tan (DO), độ pH và cường độ ánh sáng định kỳ 3 ngày đo một lần. Thời gian đo buổi sáng thường vào lúc 6 – 7 giờ sáng, buổi chiều lúc 14 – 15 giờ chiều.
  • Tốc độ tăng trưởng của rong trồng (L %/ngày) được tính theo công thức của Penniman et al. (1986): L = [(Wt / Wo) 1/t – 1]  100.

Trong đó: L là tốc độ tăng trưởng về khối lượng (%/ngày); Wo là khối lượng rong ban đầu (g); Wt là khối lượng rong sau n ngày trồng (g); t là thời gian trồng (ngày).

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU NUÔI TRỒNG RONG SỤN

3.1. Một số yếu tố môi trường trong quá trình nuôi trồng

Trong khoảng thời gian triển khai mô hình từ tháng 7/2018 đến tháng 12/2018, các yếu tố môi trường nền như nhiệt độ, độ muối, độ pH, hàm lượng oxy hoà tan trong nước, cường độ ánh sáng định kỳ 3 ngày đo một lần. Kết quả quan trắc, phân tích cho thấy, các yếu tố môi trường nước trong các tháng nuôi trồng Rong sụn tại điểm nghiên cứu có những biến động nhất định nhưng nhìn chung đều nằm trong giới hạn cho phép cho nuôi trồng thủy sản theo Quy chuẩn Việt Nam QCVN 10-MT:2015/ BTNMT.

Một số yếu tố môi trường tại khu vực nuôi trồng Rong sụn là tương đối phù hợp để Rong sụn sinh trưởng và phát triển. Nhiệt độ nước biển trung bình tại các tháng dao động từ 28,1 ± 0,76oC, nằm trong ngưỡng nhiệt độ sinh trưởng tốt của Rong sụn. Tháng 7 có nhiệt độ cao nhất, trung bình 29,3 ± 0,9oC; tháng 12 có nhiệt độ trung bình thấp nhất 26,3 ± 0,6oC. Sự giảm dần nhiệt độ môi trường nước này liên quan đến sự giảm dần của nhiệt độ không khí theo mùa. Độ mặn nước các tháng tương đối ổn định, nằm trong ngưỡng 31 – 32‰. Độ mặn cao và ổn định do đảo xa bờ, độ mặn môi trường nước ở đây không khi bị ảnh hưởng bởi nguồn nước ngọt. Tương tự như độ mặn, nồng độ oxy hòa tan trong nước luôn cao, dao động từ 6,1 – 6,9 mg/l; trung bình đạt 6,6 ± 0,58 mg/l. Độ pH các tháng nuôi nằm trong khoảng 7,7 – 8,1; trung bình đạt 7,9 ± 0,31. Cường độ ánh sáng đo được dao động 27.400 – 32.800 lux, trung bình đạt 29.897 ± 815 lux. Qua đây cho thấy, điều kiện môi trường nước tại điểm nuôi là hoàn toàn phù hợp với đặc điểm sinh thái để có thể phát triển nuôi trồng loài Rong sụn

Rong sụn được thu hoạch thực tế khi nuôi thử nghiệm với lồng HDPE.

Rong sụn được thu hoạch thực tế khi nuôi thử nghiệm với lồng HDPE.

Một yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến sinh trưởng và phát triển của Rong sụn đó là biên độ cường độ sóng. Xét xem tại địa điểm triển khai mô hình có sóng, nước lưu thông tốt, là điều kiện lý tưởng cho nuôi trồng loài Rong sụn hay không. Tuy nhiên, do địa hình tại khu vực này có một dải đá cao ở phía xa ngoài biển, vì vậy khi có sóng, dải đá này đã làm suy giảm rất nhiều cường độ sóng khi tiến vào bên trong. Biên độ sóng lớn và liên tục sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của Rong sụn. Sóng sẽ đánh gãy các tản rong được buộc trên các dây rong, vì rong được cấu tạo bằng chất sụn lên rất giòn và dễ gãy.

3.2. Tốc độ tăng trưởng của Rong sụn

Để đánh giá tốc độ tăng trưởng của Rong sụn trồng trong ô lồng lưới tại điểm nuôi, tiến hành bố trí thí nghiệm qua 03 đợt nuôi trồng trong tháng 8 – 10/2018; tháng 3 – 5/2019 và từ tháng 5 – 7/2019. Kết quả thí nghiệm cho thấy, sau 60 ngày nuôi trồng, Rong sụn phát triển tốt, năng suất rong toàn tản trung bình đạt 700 ± 68 g rong tươi/bụi, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 3,74 ± 0,19 %/ngày.

Như vậy sau 60 ngày nuôi trồng, kết quả đánh giá thực nghiệm tại cả 10 ô lồng nuôi cho thấy, tốc độ tăng trưởng của Rong sụn là rất tốt. Với khối lượng nuôi ban đầu khoảng 77 ± 4 g rong tươi/bụi; sau 30 ngày nuôi đạt 259 ± 26 g rong tươi/bụi; sau 60 ngày nuôi đạt 700 ± 68 g rong tươi/bụi. Về tốc độ tăng trưởng trong vòng 15 ngày nuôi đầu trung bình đạt 3,57 ± 0,16 %/ngày; từ ngày nuôi thứ 16 đến ngày nuôi thứ 30, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 4,16 ± 0,24 %/ngày; từ ngày nuôi thứ 31 đến ngày nuôi thứ 45, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 4,88 ± 0,21 %/ngày; từ ngày nuôi thứ 46 đến ngày nuôi thứ 60, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 2,32 ± 0,18 %/ngày. Tốc độ tăng trưởng trung bình sau 60 ngày nuôi đạt 3,74 ± 0,19 %/ngày. Như vậy, từ ngày nuôi thứ 31 đến ngày nuôi thứ 45, rong có tốc độ tăng trưởng tốt nhất, đây cũng là thời gian rong giảm tăng trưởng về chiều dài và đường kính nhánh, chuyển sang tăng trưởng mạnh về khối lượng. Từ ngày nuôi thứ 60 trở đi, rong tăng trưởng chậm hẳn lại, vì vậy đây chính là thời điểm thu hoạch Rong sụn tốt nhất để cho hiệu quả kinh tế cao nhất.

Như vậy, với thời gian nuôi một đợt khoảng 60 ngày, khối lượng trồng ban đầu khoảng 70 – 80 g rong tươi/bụi, khi thu hoạch sẽ thu được khoảng 700 – 800 g rong tươi/bụi, gấp khoảng 10 lần so với khối lượng rong trồng ban đầu. Kết quả nuôi trồng rong thương phẩm cho thấy, mỗi một dây nuôi sau 1 đợt nuôi trồng thu được khoảng 15 – 20 kg Rong sụn tươi thương phẩm. Một ô lồng thu được khoảng 250 – 300 kg Rong sụn tươi. Tổng cả 10 ô lồng nuôi, sau một đợt nuôi khoảng 60 ngày thu được khoảng 2.500 3.000 kg Rong sụn tươi thương phẩm.

4. KẾT LUẬN

Kết quả đánh giá tốc độ tăng trưởng của Rong sụn trồng trong ô lồng lưới tương đối phù hợp với sinh trưởng và phát triển của Rong sụn, với khối lượng trồng ban đầu khoảng 77 ± 4 g/bụi, sau 60 ngày nuôi trồng, rong phát triển tốt, có màu vàng nâu; đường kính thân trung bình từ 6 – 7 mm, chiều dài tản dao động từ 40 – 50 cm; năng suất trung bình đạt 700 ± 68 g rong tươi/bụi; tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 3,74 ± 0,19 %/ngày; trong đó từ ngày nuôi thứ 31 đến 45, rong có tốc độ tăng trưởng tốt nhất, trung bình đạt 4,88 ± 0,21 %/ngày. Từ ngày nuôi thứ 60 trở đi, rong tăng trưởng chậm lại; đây chính là thời điểm thu hoạch Rong sụn tốt nhất để cho hiệu quả kinh tế cao nhất.

Rong sụn là đối tượng có giá trị kinh tế, dễ nuôi trồng, chi phí sản xuất ít tốt kém và thích nghi tốt tại một số đảo xa bờ. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu nhân rộng mô hình trồng Rong sụn ra các đảo tiền tiêu của Tổ quốc, góp phần cung ứng nguồn rau sạch cho người dân trên đảo, phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo Việt Nam.